KTNĐ – Thiết kế và bài trí không gian như thế nào để hợp môi sinh và tập quán dành cho người cao tuổi, nhất là trong những căn nhà Việt với nhiều thế hệ cùng chung sống? Những băn khoăn cũng như bất cập còn tồn tại hy vọng phần nào được giải tỏa với bàn tròn này.
Việc chung sống 3 – 4 thế hệ dưới một mái nhà khá phổ biến trong truyền thống Á Đông trước đây. Tuy sang thời hiện đại có nhiều biến động về cơ cấu gia đình nhưng vai trò của người cao tuổi vẫn không hề sút giảm, đặc biệt ở các giai đoạn con cháu cần sự trợ giúp của ông bà – cha mẹ, và khi khả năng kinh tế của người trẻ chưa đủ vững vàng để ra riêng triệt để. Thế nhưng bài trí không gian hợp môi sinh và tập quán dành cho người cao tuổi lại còn khá nhiều bất cập.
Đa số bản vẽ thiết kế đều ghi “phòng người già, phòng ông bà” với vị trí chủ yếu nằm ở tầng thấp, diện tích vừa phải, có phòng vệ sinh riêng bên trong hoặc dùng chung bên ngoài, nội thất đơn giản và đa phần là hay dùng đồ cũ đã qua nhiều năm sử dụng kê vào…
Dĩ nhiên, thực tế không thể đòi hỏi nhiều hơn về thiết kế phòng cho người cao tuổi khi đa số gia đình có lập luận giống nhau: ông bà nay cũng yếu rồi, làm phòng dự trù để lâu lâu ghé chơi, các cụ ở mỗi nhà con cháu dăm ba bữa rồi đi, nhu cầu các cụ không cầu kỳ…
Điều này dẫn đến thực tế không gian cho người cao tuổi luôn bị sơ sài hoặc bừa bộn, thiếu sự đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến nhiều công trình làm xong phải “tốt khoe xấu che”, tức chỉ có phòng khách hay bếp ăn, phòng ngủ chính thì mới bài trí tươm tất và có cái để mà… chụp ảnh tung lên mạng xã hội khoe nhà!
Ai rồi cũng đến lúc già, và khi ấy đa số đều quay về với các giá trị cũ và không gian gần gũi thiên nhiên, cây cỏ, đồ đạc lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức. Vì vậy tôi nghĩ nên nhìn lại các đặc trưng không gian thuần Việt của nhà xưa để liên hệ với nhu cầu bài trí hợp với người cao tuổi hiện nay: đó là sự thiết thực, tiết giảm và thân thiện.
Ngôi nhà dù có hiện đại cỡ nào thì một góc hoài niệm đậm chất Việt cũng không hề làm giảm đi giá trị, nếu như không nói là ngược lại, làm đẹp thêm và rõ nét thêm tính Việt truyền thống trong không gian Việt hiện đại. Điều này khác hẳn với kiểu bài trí mê tín, đồ giả cổ màu mè trọc phú, vì cha ông ta xưa giờ luôn ăn ở giản dị.
Việc xen lẫn không gian mang tính giản dị thuần Việt cũng không hoàn toàn đồng điệu với ngôn ngữ hiện đại quá mức như phong cách công nghiệp hay bài trí xa xỉ gần đây xuất hiện nhiều.
Giao hòa được thiên – địa – nhân, đó là đích đến của nghệ thuật bài trí nhà cửa hợp trời đất, hợp lòng người, mà người cao tuổi có đủ trải nghiệm để cảm nhận và sử dụng đúng mức.
- Phòng ngủ nổi bật cho nhà phố hẹp nhờ biến tấu cổ điển và cây xanh
- Với đèn led thì bộ giường ngủ của gia đình cũng trở nên thu hút
- Mẫu tủ đẹp giúp ngôi nhà trở nên phong cách hơn nên biết
- Nguyên tắc chọn và đặt sofa phòng khách đúng phong thủy
- Phong thủy cho ngôi nhà đón năm mới 2019: Dự báo những xu hướng mới