KTNĐ – Bài toán cân bằng những giá trị trong thiết kế không phải lúc nào cũng dễ giải quyết, đặc biệt là giữa mặt hình thức với những tiện ích cần có của một không gian ở.
HÌNH THỨC CŨNG LÀ MỘT DẠNG CÔNG NĂNG
Tôi cho rằng, hiện nay tiêu chí “hình thức khác lạ” đang trở thành một nhiệm vụ để thiết kế, một dạng công năng; công năng đó phục vụ cho nhu cầu cảm thụ, nhìn ngắm, thể hiện quan điểm cá nhân, đẳng cấp văn hóa, và thể hiện cả nhu cầu muốn thay đổi khác biệt của chủ đầu tư hoặc một nhóm chủ đầu tư cùng với nhà chuyên môn. Ví dụ như phòng khách thế hệ cha ông chúng tôi phải có bộ ghế gỗ quý với tủ trưng đồ mới đúng đẳng cấp, thì thế hệ trẻ sau này không còn theo các chức năng đó nữa, họ nằm ngồi trên các bộ sofa mềm mại hơn, phóng túng hơn, cá tính hơn. Họ không chê về giá trị vật chất của dàn đồ “sập gụ tủ chè” mà cha ông mình có, nhưng họ cần khẳng định bản thân qua một hình thức khác mà theo họ là phù hợp hơn, thoải mái với họ hơn. Khi đó, từ nội thất bên trong đến kiến trúc bên ngoài ngôi nhà của họ sẽ phải khác với những gì quen gọi là chuẩn mực mà thế hệ trước quan niệm và hình dung. Tôi cho rằng về khía cạnh phát triển thì hợp quy luật, không có gì phải lo ngại, và hầu như cả thế giới đều theo xu hướng chung đó, dù văn hóa mỗi nơi có thể mỗi khác.
Một ngôi nhà không xác định được chỗ nào là quan trọng nhất, yếu tố nào cần đẩy mạnh hơn, kỹ thuật, công năng hay thẩm mỹ, thì khó có thể tạo nên cá tính, khó có cái hồn riêng, khó cho nhà thiết kế định vị phong cách và cấu trúc không gian, và nếu xây xong thì cũng chỉ là ngôi nhà có đủ mọi thứ nhưng chung chung, nhạt nhòa. Tôi quan niệm, khi công việc thiết kế đã trở nên chuyên nghiệp, thì không có chuyện một công trình chỉ thiên về hình thức mà bị yếu về công năng. Vì đó là vấn đề nền tảng để làm nhà ngay từ đầu, không giải quyết được công năng thì không thể gọi là công trình hoàn thiện. Khi công năng ổn mà hình thức có được sự sáng tạo thì mới cần đến kiến trúc sư giỏi chứ! Trong thiết kế, tôi luôn xác định mỗi ngôi nhà cần một vị trí, một không gian cụ thể mà ở đó cá tính gia chủ bộc lộ rõ nét nhất, nó làm cho ngôi nhà khác hẳn một thứ đồng phục may sẵn áp vào cho tất cả mọi người.
ĐỪNG SA ĐÀ HAY CỰC ĐOAN
Tôi để ý đa số các công trình tạm gọi là “thành công” thời gian gần đây của các nhà thiết kế Việt phổ biến trên các phương tiện truyền thông đều tập trung ở các khách hàng có kinh phí vừa phải, nhà mang quy mô nhỏ, ít phải là nơi công cộng hay vốn ngân sách, và chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng nhất định mà thôi. Với “khoanh vùng giới hạn” như vậy thì các quán xá, căn hộ nhỏ, nhà ống trong hẻm, thậm chí là một xe café lưu động, một góc làm gốm cá nhân… sẽ bớt chịu sự soi xét của cộng đồng, dễ có “đất diễn” hơn. Cũng chính những nhà thiết kế ấy, nhưng khi gặp chủ đầu tư dạng khác thì họ phải từ chối hoặc chấp nhận làm để cho có, công trình không như ý họ, nhưng tôi biết là không hề tệ, chỉ là không được chính họ và giới truyền thông quen biết họ lăng xê nhiều mà thôi.
Căn biệt thự trên thác của F.L. Wright được lưu danh sử sách, vậy mà trớ trêu thay, ngôi nhà đó thực tế không phải là một home – tổ ấm cư ngụ dài lâu, mà chỉ là một house, nhà theo nghĩa đen, chuyển nhiều đời chủ và giờ làm điểm tham quan, nghe nói bị thấm dột, hệ kết cấu vươn ra phải chống đỡ, gia cố thường xuyên, mặc dù công trình vẫn là bài tập vẽ kinh điển cho đa số sinh viên kiến trúc trên thế giới. Như vậy, tính rủi ro của một thiết kế rất cao, với nhiều kiểu khen chê, như chủ đầu tư ưng mà nhà thiết kế chán ngán, kiến trúc sư tâm đắc nhưng gia chủ khó sử dụng, cả hai đều thỏa mãn nhưng thiên hạ chê bai, hoặc chỉ dùng được một thời gian ngắn, quá tốn kém chi phí… Tức là bài toán cân bằng những giá trị trong thiết kế cần phải giải đi giải lại theo vô vàn cách thức khác nhau, mỗi thời mỗi khác, không nơi nào giống nơi nào cả.
Tôi cho rằng các bên làm nhà không nên sa đà vào bệnh thành tích. Đừng nghĩ chỉ có các lĩnh vực khác mới có bệnh này mà người làm kiến trúc thì không. Nhà làm xong là muốn chụp hình lung linh, dùng lời có cánh, muốn phát ngôn muốn like muốn share ngay! Nhưng khi người ta góp ý vài câu thì ứng xử theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi”. Do đó, giới truyền thông trong các vấn đề chuyên môn cần khách quan, đúng mực và đa chiều, tránh cổ vũ cực đoan hay vùi dập thô thiển, hãy để thời gian sử dụng thực tế là liều thuốc thử tốt cho mọi thiết kế. Và người sử dụng thông minh sẽ biết tìm ra lời đáp, tìm được bạn đồng hành phù hợp cho dự án của mình.
HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG VÀ HỌC ĐỀ KHẲNG ĐỊNH MÌNH
Hồi nào giờ hay nghe đến khái niệm học để biết, học để ra làm nghề… Nhưng gần đây, chính UNESCO đã thêm vào 2 khái niệm nữa làm thành tứ trụ cho mục đích học tập (nói chung) là học để chung sống và học để khẳng định mình. Hiện nay tôi nhận thấy 2 mục tiêu “học” mới này đang thể hiện khá rõ. Nhiều nhà thiết kế trẻ đã trăn trở hướng đi, đã có nhiều tìm tòi sáng tạo, thậm chí trả giá rất nhiều cho việc khẳng định bản thân. Cái tôi của họ rất rõ ràng, và khi gặp được chủ đầu tư đồng cảm thì họ cùng nhau thai nghén, sinh nở ra những “đứa con – tác phẩm – công trình” có cá tính riêng, mà nếu xét về một số mặt khác (như công năng, kinh tế, thậm chí là tính văn hóa ) thì có thể bị “lủng” không ít chỗ. Vấn đề là, tôi cho rằng mọi người đều cần phải học tập, trang bị cho mình các nhãn quan khác, để chấp nhận sự đa dạng và sự khác biệt. Có như thế thì môi trường hành nghề thiết kế mới dễ thở hơn, mới đủ bình tĩnh đánh giá trước các trải nghiệm, rồi có được bộ lọc cần thiết để trả lời câu hỏi: chọn mới lạ hay chọn truyền thống?
- VPA 2019: Đêm hội của những nhà phát triển bất động sản
- Chọn và trang trí với đồ thủ công mỹ nghệ cho nhà đẹp của bạn
- Đặt tủ lạnh thế nào cho hợp phong thủy bạn nên biết
- 10 ý tưởng trang trí hành lang siêu “chất” giúp ngôi nhà xinh yêu của bạn
- Trang trí nhà bằng đèn hình cầu chẳng sợ lỗi thời cùng năm tháng